Suy niệm
Có một thầy tiến sĩ luật Do Thái bị đi tù ở Rôma. Ông chỉ được ăn uống tối thiểu, nhằm mục đích kéo dài cuộc sống cho qua ngày. Thời gian trôi qua, thầy luật sĩ yếu dần dần. Cuối cùng, người ta phải mời một bác sĩ đến khám. Bác sĩ bảo rằng cơ thể ông ta bị thiếu nước trầm trọng. Các sĩ quan cai ngục không thể hiểu được tại sao ông ta lại thiếu nước, bởi vì khẩu phần nước mỗi ngày tuy tối thiểu, nhưng vẫn tương đối đủ cho một cơ thể.
Thế là đám lính gác liền chú ý thầy luật sĩ ấy một cách kỹ lưỡng hơn, xem ông ta đã làm gì với số nước được cung cấp mỗi ngày. Cuối cùng người ta khám phá ra rằng thầy luật sĩ ấy đã sử dụng phần nước để rửa tay theo nghi thức tôn giáo trước khi cầu nguyện và ăn uống. Như thế, ông ta chỉ còn một ít nước để uống mà thôi.
Vì quá khắt khe với luật, nên người luật sĩ đã phương hại đến cả mạng sống mình. Hôm nay câu chuyện Đức Giêsu cho thấy ý nghĩa giải phóng luật Sabát hoàn toàn mang tinh thần mới.
Luật Chúa và luật Giáo Hội nhằm giải phóng con người khỏi mọi trói buộc của tội lỗi và tật xấu. Luật thánh hóa ngày Sabát cũng thế. Vậy phải hiểu luật và giữ luật theo tinh thần mới. Còn nếu giữ luật vì luật thì luật sẽ trở thành xiềng xích và biến con người thành nô lệ của nó.
Phân định về ngày Sabat, Chúa Giêsu nói rằng: "Ngày Sabát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày Sabát". Chúa Giêsu giải thoát một người phụ nữ khỏi bị còng lưng trong ngày Sabát, để chứng tỏ rằng sự sống của con người, giá trị của con người, hay đúng hơn, tình yêu thương còn cao cả hơn tất cả những nghi thức và việc tuân giữ bên ngoài.
Hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy tâm Chúa tràn đầy yêu thương đối với người bị bệnh, đối với tất cả mọi người. Kể từ giây phút khởi đầu Chúa long trọng tuyên bố là rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khổ, giải thoát người tù tội, cho người mù được thấy, cho người áp bức được tự do. Đúng thế, Chúa Giêsu luôn trung thành với sứ mạng này để phục vụ và nâng cao phẩm giá con người lên.
Mẹ Têrêsa Calcutta đã từng nói: "Theo tôi biết, chẳng có đau khổ nào thấm thía hơn nỗi đau khổ của con người thấy mình cô đơn, thừa thãi, không được ai yêu thương. Nỗi khổ đau cùng cực là nỗi cô độc, không biết tới cả mối tương quan thân tình đích thực giữa người với người, không biết thế nào là yêu và được yêu, không người thân, không bạn hữu".
Lời cầu nguyện, việc tuân giữ luật lễ chỉ là hình thức bên ngoài, quan trọng là dẫn chúng ta đến hành động cụ thể của tình yêu. Vì cốt lõi của đạo chính là tình thương, và xin Chúa cho chúng ta luôn xác tín sống cho tình yêu là sống trong tình yêu Chúa.
Phêrô Quốc Khánh SDB

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thứ Năm tuần 2 mùa vọng –Mt 11, 11-15 Bài chia sẻ của Cha Phó Đaminh

KÍNH THÁNH MATINO

BỌN GIẢ HÌNH