GIÁ TRỊ NƯỚC TRỜI 




Thứ Ba Tuần I Mùa Vọng
Lời Chúa: 
 Lc 10,21-24
21 Khi ấy, Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần, Người nói: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ. Vâng lạy Cha, đó là ý Cha đã muốn thế. 22 Cha Ta đã trao phó cho Ta mọi sự. Không ai biết Chúa Con là ai, ngoài Chúa Cha; cũng không ai biết Chúa Cha là Ðấng nào, ngoài Chúa Con, và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết!" 23 Rồi Chúa Giêsu quay lại phía các môn đệ và phán: "Hạnh phúc cho những con mắt được xem những điều chúng con xem thấy; 24 vì chưng Ta bảo các con: có nhiều tiên tri và vua chúa đã muốn xem những điều chúng con thấy, mà chẳng được xem, muốn nghe những điều chúng con nghe, mà đã chẳng được nghe.
(Nguồn: Ủy ban Thánh Kinh / HĐGMVN
Suy niệm

Sống trong cảnh nước mất, nhà tan của kiếp làm nô lệ nơi đất khách quê người thời tiên tri Isaia, hơn bao giờ hết dân Do Thái mong đến một tương lai tốt đẹp.
Mơ ước ấy được tiên tri Isaia loan báo trong bài đọc 1 hôm nay.
Isaia mơ ước đến một ngày mà thế giới được chung sống hòa bình, không còn cảnh chia rẽ hận thù, chiến tranh và chết chóc.“Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang. Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển.”.  
Viễn cảnh tốt đẹp ấy chỉ đến khi Đấng Thiên Sai xuất hiện. Đấng Thiên Sai mà Isaia loan báo sẽ xuất thân từ dòng dõi Đavít: “Từ gốc tổ Jesse, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non”; và được tràn đầy Thánh Thần. “Thánh Thần của Thiên Chúa sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và can đảm, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa.”; có đầy đủ mọi đức tính xứng bậc quân vương: công minh khi xét xử: “Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói.”; thương yêu người nghèo hèn: “Ngài xét xử công minh cho những người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư cho kẻ nghèo trong xứ sở.”; và can đảm nghiêm trị kẻ gian ác: “Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà.”.
Ngày nay con người đang sống trong một thế giới có nhiều bất ổn: dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh, khủng bố đe dọa từng giây phút… ; và trong một xã hội đầy dẫy những bất công, mạnh thắng yếu thua, cá lớn nuốt cá bé, người nghèo luôn bị thiệt thòi, người vô tội thì luôn bị ức hiếp… Hơn bao giờ hết con người luôn mong muốn có được cuộc sống an bình, hòa hợp nhờ vào những nhà lãnh đạo chân chính, biết tận tâm hy sinh phục vụ cho lợi ích con người, nhất là những người thiệt thòi trong xã hội. 
Nỗi mong ước ấy chỉ thành hiện thực khi con người biết khiêm tốn tin nhận và sống theo sự hướng dẫn của Chúa Giêsu, Đấng Thiên Sai. Bởi lẽ mầu nhiệm nước trời chỉ mạc khải cho những người bé mọn, như lời cảm tạ của Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay.
Xin cho chúng ta mùa vọng này biết can đảm loại bỏ tính kiêu căng, tự mãn nơi con người củ để mặc lấy con người mới của chân thành, đơn sơ, khiêm tốn. Nhờ đó ta mới đón nhận được nền hòa bình viên mãn mà Chúa Giêsu mang đến trần gian, cũng như cảm nhận được niềm vui và bình an của Chúa trong tâm hồn.

Chuyện cổ tích từ Nước Trời.

Từ thơ bé, ai mà không được nghe chuyện cổ tích về nàng công chúa xinh đẹp, chàng hoàng tử tuấn tú. Nhưng tôi lại được bà kể về một nhân vật không có trong chuyện cổ tích thông thường, đó là Chúa Giê-su: chuyện về cha mẹ Ngài, Ngài từ đâu đến, sinh ra và sống khó nghèo ra sao, truyền giáo, chịu chết và sống lại,… Những câu chuyện bà kể dường như vô tận, nhưng có một trích đoạn in sâu trong tâm trí tôi là câu chuyện về cuộc trốn chạy của gia đình Thánh Gia sang Ai Cập. Mãi sau này tôi đã cố gắng đi tìm nguốn gốc của câu chuyện, nhưng vì sự non kém, nông cạn của mình, tôi vẫn chưa biết được câu chuyện đó có từ đâu, kể cả nhờ đến Bách khoa toàn thư hay…Google, nên cứ tâm niệm như lời bà dạy khi tôi hỏi về nguồn gốc của câu chuyện: “Những gì đẹp đẽ, tốt lành mà chưa rõ nguồn gốc thì có nghĩa là đến từ Nước Trời cháu ạ”.
Chuyện kể rằng khi được Thiên sứ báo vua Hê-rô-đê muốn sát hại Chúa Hài Đồng, thánh Giu-se đã vội vã đưa Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập, quân lính của nhà vua đuổi theo sát nút. Khi gia đình Thánh Gia đi qua một cánh đồng lúc người ta đang gieo hạt thì Chúa Hài Đồng giơ tay làm phép lạ: cánh đồng vừa gieo hạt đã nảy mầm thành cây và cho bông trĩu nặng trong nháy mắt. Chỉ ít phút sau quân lính ập tới, chúng hỏi những người nông dân đang ngồi nghỉ bên bờ ruộng: “Có thấy một người đàn ông cùng một phụ nữ bế một hài nhi chạy qua đây không?”. Những người nông dân trả lời: “Khi chúng tôi đang gieo hạt thì quả có thấy”. Quân lính thấy ruộng lúa đã chín, nhìn nhau lắc đầu ngán ngẩm:“Thế là họ đã chạy qua đây nửa năm rồi, đuổi làm sao kịp nữa” và chúng quay ngựa trở về. Gia đình Thánh Gia thoát nạn.
Lúc nghe chuyện tôi đã rất phấn khích vì tài làm phép lạ của Chúa Giê-su, còn hơn bất kỳ ông Bụt, bà Tiên nào, vì đó đều là những “người lớn”, không phải là “em bé” như Chúa Hài Đồng, bé hơn cả tôi nữa – còn đang nằm ngửa trên tay mẹ cơ mà, và ước mơ mình có thể làm được những điều kỳ diệu như thế.
Thời gian trôi đi, câu chuyện bà kể hôm nào đã không còn là chuyện cổ tích mà đã đi vào cuộc sống của tôi, mỗi năm khi Giáng Sinh về lại cho tôi một suy niệm khác nhau…
Lúc bắt đầu được học giáo lý: “thứ 3 thì ngắm, Đức Bà sinh Đức Chúa Giê-su nơi hang đá, ta hãy xin cho được lòng khó khăn”, tôi mới cảm nhận được tinh thần vượt khó của Chúa Hài Đồng. Mặc dù là con Thiên Chúa quyền năng, Ngài hoàn toàn có thể sinh ra trong yên bình, nhưng Ngài lại chọn cho mình cách sinh ra trong hang đá lạnh lẽo trong đêm đông giá rét rồi bị truy sát, phải chăng là để chuẩn bị cho con đường khổ giá ngày sau…
Lớn lên một chút, câu chuyện lại cho tôi hình ảnh về một Chúa Hài Đồng nhân từ. Với quyền năng, Ngài hoàn toàn có thể làm quân lính ngã ngựa không thể đuổi theo mình. Nhưng Ngài đã không làm thế, phép lạ của Ngài chỉ dùng để cứu nhân độ thế, vừa đẩy lui được kẻ thù, vừa cho những người nông dân một vụ mùa bội thu. Và Chúa Giê-su, Ngài cũng chính là vụ mùa bội thu đầu tiên của Giáo hội, là lương thực dưỡng nuôi linh hồn ta đến trọn đời.
Chúa Hài Đồng chọn cách làm phép lạ để đẩy lui được kẻ thù độc ác mà những người nông dân hoàn toàn không hề phạm tội gian dối. Bài học này cho tôi một cách sống ở đời, có nhiều cách tốt đẹp để đạt được mục đích mà không cần phải chọn cách thiếu trung thực hay làm phương hại đến người khác.
Phép lạ của Chúa Hài Đồng cũng dựa trên quy luật của đất trời: muốn có thành quả thì phải có thời gian, khi hạt lúa gieo xuống thì sau nửa năm mới có thu hoạch, sự nóng vội, thiếu suy xét chỉ làm người ta thất bại…
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, tôi đã là sinh viên năm cuối. Được nghỉ học kỳ sớm, tôi về quê đúng dịp Giáng Sinh. Tối đến, tôi lại rúc nách bà như thường lệ, nũng nịu: “Bà kể cho cháu nghe chuyện về Chúa Giê-su Hài Đồng nữa đi”. Bà lại kể câu chuyện câu chuyện về cuộc trốn chạy của gia đình Thánh Gia khiến tôi bất ngờ, vội vã ngắt lời bà: “Chuyện này cháu nghe rồi mà”, bà chỉ thở dài vuốt vuốt mái tóc tôi. Tôi đang hơi thất vọng nghĩ rằng kho chuyện của bà đã hết thì thấy mẹ tôi nhắc nhở: “Để yên cho bà ngủ, bà đã gần 90 tuổi rồi đừng bắt bà tư duy nữa”, tôi mới giật mình nhìn lên: mái tóc của bà đã bạc trắng tự khi nào.
Cũng mùa đông năm đó, Chúa đã gọi bà về. Tôi bàng hoàng đau đớn, dù bà vẫn thường bảo: “Cháu hãy sống giản dị, yêu lao động, thuận theo lẽ tự nhiên với tấm lòng đơn sơ như Chúa Hài Đồng và đừng lo một ngày nào đó mình chết đi vì cháu sẽ được Ngài đón đợi trên Quê Trời”.
Mỗi năm khi mùa Giáng Sinh tới, tôi lại về quê viếng mộ bà. Đứng trên đồi cao nơi bà nằm nghỉ, nhìn xuống đồng ruộng mênh mông không một bóng người chỉ trơ gốc rạ trong gió Bấc, tôi thầm ước giá như có một giống lúa chịu được rét để người nông dân có thêm một vụ mùa bội thu, mùa đông sẽ bớt giá lạnh. Tôi cũng ước sao trên cánh đồng truyền giáo giảm thiểu được tình trạng “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”. Tôi tin giờ này bà đã được ở trên Thiên Đàng và đang chuyển cầu những mong ước đó tới Chúa Hài Đồng, bởi vì “những gì đẹp đẽ, tốt lành mà chưa rõ nguồn gốc thì có nghĩa là đến từ Nước Trời”….
Mùa Vọng 2010
Vinhkiu

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thứ Năm tuần 2 mùa vọng –Mt 11, 11-15 Bài chia sẻ của Cha Phó Đaminh

KÍNH THÁNH MATINO

BỌN GIẢ HÌNH