CƠN KHỐN KHỔ - THỜI KỲ DÂN NGOẠI
THỜI KỲ DÂN NGOẠI
Thời kỳ dân ngoại & Thời kỳ của Chúa
Thứ Năm Tuần XXXIV Thường Niên
Lời Chúa:
Lc 21,20-28
20 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Khi các con thấy Giêrusalem bị các đạo binh bao vây, các con hãy biết rằng đã gần đến lúc thành ấy bị tàn phá. 21Bấy giờ những ai ở trong đất Giuđa, hãy chạy trốn lên núi, những ai ở trong thành, hãy rời xa, và những ai ở vùng quê, chớ có vào thành; 22 vì những ngày ấy là những ngày báo oán, để ứng nghiệm mọi lời đã ghi chép. 23 "Khốn cho những đàn bà đang mang thai và nuôi con thơ trong những ngày ấy: vì chưng sẽ có sự khốn cực cả thể trong xứ và cơn thịnh nộ trút xuống dân này. 24 Chúng sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ phải bắt đi làm tôi trong các dân, và Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho dân ngoại chấm dứt. 25 "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. 26 Người ta sợ hãi kinh hồn, chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. 27 Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. 28 Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến".
"Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho dân ngoại chấm dứt." (Lc 21,24)
Suy niệm:
A- Phân tích (Hạt giống...)
Tiếp tục diễn từ chung luận:
- cc.20-24: Chúa Giêsu lại nói về ngày thành Giêrusalem bị tàn phá.
- cc.25-28: sau đó lại chuyển sang ngày tận thế và quang lâm. Tất cả những thế lực mà xưa nay người ta dựa vào vì coi là vững chắc (mặt trời, mặt trăng, tinh tú, biển...) đều bị lay chuyển để nhường cho quyền lực của Con Người lên ngôi. Trước tình huống đó,“muôn dân” (tức là những kẻ không có đức tin) sẽ lo sợ đến hồn siêu phách lạc, vì chỗ dựa của họ đã bị lung lay. Nhưng các môn đệ Chúa thì hãy vui mừng và ngẩng đầu lên chờ đợi Chúa ngự đến.
B- Suy gẫm (... nẩy mầm)
1. Năm 70 sau công nguyên, tướng Titus của đế quốc La Mã đem quân bình địa Giêrusalem... Đền thờ Giêrusalem biểu trưng của niềm tin tôn giáo như lời tiên báo của Chúa Giêsu đã “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào”... Tuy nhiên, nếu người Do Thái thương khóc cho một quê hương đổ nát, thì các Kitô hữu lại hân hoan ra đi truyền bá Phúc Âm cho các dân tộc khác; sự sụp đổ của thành Giêrusalem đã giúp cho họ nhận ra tính công giáo của Kitô giáo. Nước Thiên Chúa đến bằng chính những gì mà con người cho là đổ nát, mất mát. Đó là cái nhìn Chúa Giêsu muốn mời gọi các tín hữu tiên khởi phải có. (Trích: "Mỗi ngày một tin vui")
2. Ai dựa vào những thế lực vật chất và thế gian thì khi sắp chết sẽ hoảng sợ vì những thế lực đó bị sụp đổ. Còn kẻ nào dựa vào Chúa thì khi chết sẽ vui mừng, vì họ biết mình sắp được về với Ngài.
3. Lời tâm sự của một người mẹ: Từ nhỏ tôi đã sợ chết, nhưng khi đứa con yêu dấu của tôi chết thì tôi không còn sợ nữa. Đó là nhờ câu chuyện ngụ ngôn vị Linh mục chủ sự lễ an táng đã giảng. Câu chuyện như sau:
Người mục tử dẫn đàn chiên đến một dòng suối để sang cánh đồng cỏ bên kia. Suối không sâu nhưng nước chảy mạnh nên chẳng con chiên nào dám bước xuống. Người mục tử không la hét, không dùng roi để lùa đàn chiên qua suối. Ông chỉ nhẹ nhàng bồng một con chiên con rồi bước xuống, đi qua phía bên kia. Con chiên mẹ thấy con mình đã đi qua suối được nên an lòng bước theo. Sau đó, cả đàn chiên bước qua suối nước, sang bờ bên kia, nơi có sẵn một đồng cỏ xanh rì.” (Sunday School Time).
4. Qua bài trích Phúc Âm, ta nhìn ra đường lối Chúa thật lạ lùng: Chúa thấy trước những tai hoạ sắp đổ xuống dân mình với cả những người đáng thương đang mang thai hoặc cho con bú, nhưng Chúa không đẩy tai hoạ đi giùm. Chúa không giải phóng dân Người ngay lúc đó. Chúa dành ra “một thời của dân ngoại”, mặc sức họ tung hoành.
- Trong nếp sống đạo đức của ta hình như cũng có thể có những lúc tương tự. Không biết có phải vì tội ta hay vì lý do nào khác nữa mà muôn thứ thử thách đổ dồn trên đầu ta làm ta tối tăm mắt mũi. Mọi sự trên trời dưới đất, mọi biến cố hầu như đều chống lại ta.
- Từ đáy vực thẳm đen tối đó, có lẽ thái độ tốt nhất là ta nhìn ra được lời Chúa mời gọi ta sám hối trở về với Ngài. Và sau đó với lòng phó thác và biết ơn, chúng ta “hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì chúng ta sắp được cứu rỗi”.
(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
Cầu nguyện:
Lậy Chúa Giesu, Chúa là đấng ban sự sống, luôn cho chúng con một cơ hội mới trong mọi hoàn cảnh. Xin cho chúng con luôn biết tận dụng ơn Chúa để làm mới lại cuộc đời con và hưởng được ơn cứu độ
Nhận xét
Đăng nhận xét