AI THUÔC GIA ĐÌNH TÔI


                   MẸ DÂNG MÌNH





PHÚC ÂM – Mt 12, 46-50
"Người giơ tay trên các môn đệ mà nói: Đây là mẹ Ta và là anh em Ta".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu còn đang nói với dân chúng, thì mẹ Người và anh em Người đứng ngoài tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa rằng: "Kìa, mẹ Ngài và anh em Ngài đang đứng tìm Ngài ngoài kia". Nhưng Người trả lời kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?" Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: "Đây là mẹ Ta và là anh em Ta, vì hễ ai làm theo ý Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ TaĐức Mẹ dâng mình trong đền Thờ
Đức Maria đã hớn hở vui mừng đáp lại
Truyền thống để lại cho chúng ta giai đoạn đầu tiên của cuộc đời Đức Nữ Trinh, đó là giai đoạn Người dâng mình vào Đền Thánh để hiến mình cho Thiên Chúa và hoàn toàn thuộc về Người. Đức Maria, được lòng nhân từ của Chúa Cha bao phủ, đã chỉ có thể trình diện Người bằng cách tận hiến hoàn toàn linh hồn và xác cho Người. Đây là tất cả mầu nhiệm sự trinh khiết được thánh hiến, trong ý nghĩa mạnh nhất, sâu sắc nhất của sự thánh hiến toàn thân cho Thiên Chúa, thánh hiến cho việc phục vụ Người, bằng cách tự dâng hiến và cho đi trọn vẹn cho Người.
Vậy cử chỉ thánh hiến này, với ý nghĩa mạnh nhất về sự thánh hiến tâm hồn khiết trinh của Mẹ, là điều bình thường để nói lên sự hợp tác trước tiên và lời đáp trả trước tiên của Mẹ cho Thiên Chúa, mà truyền thống đã giữ lại cho chúng ta về Mẹ Maria. Mẹ đã hớn hở vui mừng đáp lại Thiên Chúa; không có gì vui mừng hơn là diễn tả cách linh thiêng và sống với lòng thương xót của Chúa, và cũng không gì vui mừng bằng mình được tình thương của Chúa "bắt cóc" như người cha chiếm đứa con bé nhỏ của Người để đưa nó giấu đi cách đặc biệt trong mầu nhiệm của Người.




Tại hầu hết các nhà thờ ở Liên Xô mà tôi đã viếng thăm đều có những bức họa lớn hoặc nhỏ, rất đẹp về cảnh Đức Mẹ dâng mình vào đền thờ. Ở góc cao nhất của bức họa là cửa đền thờ Giêrusalem diễn tả cửa Trời. Thầy thượng tế mặc phẩm phục đứng đó nhìn xuống một cô bé 3 tuổi, đang lanh lẹn và đẹp đẽ leo hết 36 bậc thang đi vào đền thánh, trước sự ngưỡng mộ của hàng ngàn trinh nữ cầm đèn cháy sáng đứng hai bên. Cô bé ba tuổi đó chính là Maria, lanh lẹn tiến vào nhà Chúa, không thèm ngoái cổ lại nhìn thế gian, từ giã họ hàng…
Lễ Đức Mẹ dâng mình được cử hành tại Giêrusalem vào thế kỷ  thứ VI. Một nhà thờ được xây dựng tại đó để kính nhớ mầu nhiệm này. Các nhà thờ chính thống cũng như Công giáo ở Đông phương đều đề cao việc Đức Mẹ dâng mình và mừng lễ này hết sức long trọng và hân hoan, không biết từ những ngày xa xôi nào. Chỉ biết đến thế kỷ XI, đoàn đại biểu của Giáo hội La Mã qua thăm Đông phương thấy vẻ đẹp của các bức họa và các cuộc lễ này đẹp đẽ phấn khởi như vậy, mới trở về quảng bá việc mừng lễ Đức Mẹ Dâng Mình cho đến ngày nay. Tuy nhiên lễ này có thời biến mất khỏi niên lịch, và tới thế kỷ XVI lễ này được mở rộng ra cho toàn thể Giáo hội hoàn vũ.
Như vậy, lễ này phát xuất từ Đông phương, miền truyền giáo của thánh Gioan Tông đồ và có thể là nơi xuất phát lòng tôn sùng Đức Mẹ sâu sắc hơn cả. Dĩ nhiên, câu chuyện Đức Mẹ dâng mình vào đền thờ không được viết trong Thánh Kinh. Phải đọc nó trong các sách bình dân không có phép của giáo quyền, gọi là các sách Ngụy thư. Sách Phúc Âm thứ nhất của thánh Giacôbê (protoevangelium of James)  kể lại rằng bà Anna và ông Gioankim dâng Đức Maria cho Thiên Chúa tại đền thờ khi ngài mới ba tuổi. Đó là để thi hành lời bà Anna hứa khi bà còn chưa có con.
Nghĩa là không có gì chắc chắn Đức Maria đã dâng mình vào đền thờ khi lên ba. Nhưng cuộc đời của Đức Mẹ là cả một lễ dâng mình kéo dài kể từ lúc Mẹ được ơn Đầu thai Vô nhiễm Nguyên tội, rồi được sinh ra, và đỉnh cao như chúng ta sẽ nói là ở đồi Sọ, gần Thập giá Đức Giêsu.
Maria sinh ra được giáo dục trong lòng đạo đức của dân được tuyển chọn. Lớn lên, một trong những câu truyện đầu tiên cô được nghe và phải thuộc lòng, chính là câu truyện về cuộc đời của Abraham tổ phụ dân Chúa. Và Thánh Kinh kể Abraham là con người có đức tin, tin một mình Đức Chúa, tin hoàn toàn vào lời hứa và sự dẫn dắt của Người. Vì Đức Chúa, để gắn bó với Người, ông bỏ quê hương, bỏ gia tộc, bỏ mọi sự, đi theo Chúa. Không phải ông không mơ ước điều nọ điều kia. Ông đi theo Chúa vì Chúa hứa cho ông một giang sơn, một dòng dõi, một đời sống hạnh phúc bất tận. Dần dần ông thấy mình được những điều đó. Đặc biệt đến tuổi 100, ông đã được Chúa ban đứa con nối dòng là Isaac. Chúng ta cứ thử nghĩ xem Isaac đối với ông quí như thế nào. Đó là sự sống của ông, sự sống sẽ được nối dài trong bao ngàn thế hệ… Thế mà Chúa lại đòi ông đi sát tế Isaac. Lòng đau như cắt, ông xin vâng, dẫn Isaac lên tế đàn…
Câu truyện đó làm sao không làm cho Maria say mê sung sướng. Là thiếu nữ Sion tuyệt vời, là tiêu biểu của dòng giống được tuyển chọn, Maria phải yêu nước, yêu dân tộc mình, yêu tổ phụ của dân và do đó phải thích và thuộc những gì Kinh Thánh viết về Abraham. Hơn nữa, là một tác phẩm kỳ công của Thiên Chúa, câu truyện Abraham tin Chúa, yêu Chúa đến nỗi sẵn lòng hy sinh tất cả để tỏ lòng tin, cậy, mến, phải thu hút tình yêu của Maria. Maria muốn bắt chước tổ phụ của dòng dõi mình. Maria dâng trọn đời mình cho Chúa.
Chúng ta khẳng định được như vậy vì tất cả các nét mà các sách Tin Mừng vẽ lại cho chúng ta thấy tâm hồn của Maria. Chúng ta biết câu chuyện Truyền tin. Maria dâng mình phó thác cho Thiên Chúa quyết liệt thế nào trong hai tiếng Xin Vâng khiêm nhường. Cũng vì chỉ muốn đi theo Chúa, phục vụ Chúa, mà nghe tin Chúa làm việc lạ nơi bà chị họ Êlisabét, Maria đã tất tưởi lên đường, hạnh phúc nhảy các đồi cao, đến nhìn công việc của Chúa. Và tại đây, như bài Tin Mừng cho thấy, tâm hồn của Maria đã dạt dào cởi mở trong bài kinh Magnificat. Cứ đọc bài ca ấy đi, ai không thấy ngay một tâm hồn đẹp đẽ nhưng dâng hiến hoàn toàn cho công việc của Thiên Chúa. Lòng dâng hiến trọn vẹn sẽ đưa Maria không một phút nào không mật thiết kết hiệp với Đức Giêsu, đặc biệt trên con đường Thập giá. Và khi Phêrô và các môn đệ to mồm nhất, bỏ Chúa đau đớn và trơ trọi trên Thập giá, Mẹ Maria dũng cảm có mặt ở đó, để các vết thương trên thân thể Con trở thành những nhát gươm đâm nát trái tim Mẹ. Con dâng mình đau đớn thế nào cho Chúa Cha, Mẹ cũng dâng khổ đau dữ dằn như thế, để cùng Con đổ Máu đền tội cho trần gian và ban Nước ân sủng Thánh Thần cho mọi tín hữu. Đức tin cho chúng ta biết lễ dâng của Chúa và của Đức Mẹ tại đồi Sọ có giá trị như thế nào. Thánh Phaolô nói rõ trong bài thư hôm nay. Chúng ta vẫn tin như vậy. Tôi không cần nói thêm.
Tôi chỉ muốn nói điều này: Ơn Cứu độ, sự sống của Hội Thánh phát xuất từ lễ dâng trên núi Sọ. Đó là lễ dâng của Chúa Giêsu và của Đức Mẹ. Lễ dâng đó trọn vẹn vì đã chảy cho đến giọt máu cuối cùng… Nhưng đã khởi sự và đi con đường Thập giá hy sinh lâu rồi. Cũng như thư Hibá viết: Khi vào thế gian, Đức Kitô đã nói với Đức Chúa Cha: Này Con xin đến để làm theo ý Cha; thì khi cho chúng ta gặp Đức Mẹ lần đầu tiên, sách Tin Mừng cũng kể: Người nói hai chữ “Xin Vâng” để suốt đời sống theo ý Chúa.
Cha của chúng ta là Đức Giêsu, Mẹ của chúng ta là Đức Maria. Cả hai đã suốt đời Xin Vâng ý Cha trên trời nên mới có dòng dõi là nghĩa tử. Đó là Adong và Evà mới của nhân loại mới được Cứu độ, thay cho Adong và Evà cũ đã đưa loài người vào con đường tội lỗi lầm than vì bất tuân, vì không dâng hiến nhưng muốn sống cho mình.
Cha mẹ của chúng ta như vậy, chúng ta sẽ thế nào? Anh em linh mục thân mến, chúng ta hãy nhìn vào Đức Mẹ trong lễ dâng mình hôm nay, để dâng lại ý chí của chúng ta trong ngày chịu chức, là vâng phục Giám mục để thực sự là Tông đồ, tức là được sai đi như Chúa Con được Chúa Cha sai xuống trần gian thi hành chương trình Cứu độ Thương xót của Người.
Anh chị em nam nữ tu sĩ, hôm nay hãy cùng chúng tôi dâng mình lại theo gương mẫu Đức Maria, dâng trọn vẹn để sống mật thiết với Chúa Giêsu và công cuộc Cứu thế của Người.
Anh chị em giáo dân hãy hợp lòng với tất cả các bậc tu trì chúng tôi để cùng dâng linh hồn và thân xác, đời sống và gia đình cho Chúa, cho Đức Mẹ để xứng đáng là tín hữu, tức là có đức tin trung tín.
Và như vậy, tất cả chúng ta, sau khi dâng mình hiệp với của lễ dâng trên bàn thờ, để gắn bó với tâm tình hiến dâng của Chúa và Đức Mẹ, và sau khi mang tinh thần hiến dâng trọn vẹn ở nơi mình, chúng ta trước khi ra về sẽ dâng Giáo phận, các Giáo xứ, các Cộng đoàn, các gia đình và hết thảy mọi người cho Chúa, dâng mình trọn vẹn, tuyệt diệu của Đức Maria Mẹ chúng ta trong Thánh lễ hôm nay.
Chúng ta cùng nhau đứng lên bắt đầu thái độ hiến dâng trong các lời nguyện cầu sau đây cho mọi thành phần dân Chúa và xã hội.
Đaminh Xuân Uyển SDB
(trích từ tài liệu của GM Nguyễn Sơn Lâm)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thứ Năm tuần 2 mùa vọng –Mt 11, 11-15 Bài chia sẻ của Cha Phó Đaminh

Thứ Năm tuần 22 Thường niên năm II (Lc 5,1-11) TGM Giuse Nguyễn Năng Ngày 05/09/2024

Chúa nhật Chúa Ba Ngôi năm B - Thiên Chúa là tình yêu (Mt 28,16-20) TGM Giuse Nguyễn Năng Ngày 26/05/2024