THỨ SÁU TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN B
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
BỆNH NHÌN BỀ NGOÀI
Tin Mừng Mátthêu (Mt 13: 54-58)
Sau một thời gian hoạt động ở những nơi khác, Chúa Giêsu trở về quê hương Nazareth và rao giảng trong hội đường. Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại câu chuyện Chúa Giêsu trở về thăm quê hương, nhưng bị những người đồng hương từ chối.
Tin Mừng theoThánh Matthêu thuật lại cho chúng ta biết, sau một thời gian bôn ba khắp nơi giảng dạy và chữa bệnh cho thiên hạ, hôm nay Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về quê nhà Nazareth với hy vọng giúp ích được gì cho những người thân vì Người không muốn cảnh “làm phúc nơi nao để cầu ao rách nát”. Thế nhưng Người đã thất vọng ê chề vì thái độ khinh miệt và cứng lòng tin của người dân địa phương. Lửa nhiệt tình nơi Chúa đã bị dập bởi một gáo nước lạnh và Người không ra khỏi vòng cương tỏa của con người với quan niệm “Bụt nhà không thiêng”.
Vì sao “Bụt nhà không thiêng”. ? Thưa vì họ cho rằng Chúa Giêsu làm sao có thể nói và làm được những điều hay ho trong khi Ngài chỉ xuất phát từ một gia đình thợ mộc nghèo ở làng quê Nazareth. Họ cho rằng họ quá biết rõ Chúa Giêsu. Họ chỉ cần nhìn vào cha mẹ, họ hàng, gia cảnh là biết Chúa Giêsu thế nào, không cần phải nghe lời Ngài giảng. Chính thái độ cứng lòng của những người đồng hương làm cho Chúa Giêsu khó chịu và thốt lên “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.” .
Thật vậy, ngôn sứ bị rẻ rúng nơi quê hương mình vì ngôn sứ hiện diện để kêu gọi ăn năng sám hối theo ý Chúa, trong khi những người đồng hương với ngôn sứ thì chỉ để ý tới cái gốc tầm thường của ngôn sứ mà bỏ ngoài tai nhưng lời Ngài dạy. Và rồi trong cuộc sống cũng vậy, nhiều khi chúng ta cũng có những thành kiến rất là vô lý. Đã có nhiều sứ điệp bị bóp chết không phải vì sứ điệp đó có nhiều sai lầm, nhưng vì đầu óc của người ta quá thành kiến với sứ giả đến nỗi sứ điệp không bao giờ có được cơ hội đến với họ.
Họ tra hỏi về nguồn gốc thân thế gia đình, anh em họ hàng của Chúa Giêsu. Họ tự đặt câu hỏi và tự trả lời: “Bởi đâu ông ngày được như thế. Bởi đâu ông này được sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ như vậy? Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc sao?” Sở dĩ Chúa Giêsu không được đón nhận vì gia đình cha mẹ của Người chỉ là dân lao động bình thường chẳng có gì đặc biệt. Điều đó cho thấy họ ngầm phủ nhận thiên tính của Chúa Giêsu.
Khi giảng dạy ở vùng dân ngoại, Chúa Giêsu được nhiều người ngưỡng mộ vì những lời lẽ khôn ngoan và các phép lạ kèm theo. Thế nhưng tại quê nhà, Chúa Giêsu gần như “bó tay” không thể nào làm phép lạ tại đó. Người đã bị thất bại ngay trên “sân nhà”. Số phận của Chúa Giêsu cũng không khác gì những ngôn sứ khi xưa. Người sẽ phải gánh chịu những phản ứng của người đời, bị từ chối, ganh ghét và bị sát hại. Số phận của Chúa Giêsu là số phận của một người Tôi Tớ đau khổ, sẵn sàng gánh chịu mọi sự khinh miệt của con người, nhất là người gần gũi hàng xóm láng giềng và cả những môn đệ thân tín nhất.
Chúa Giêsu là Thiên Chúa cứu độ. Chúa đến trần gian để mang ơn phúc từ trời xuống cho nhân loại. Chúa giảng dạy Tin Mừng để con người nhờ đón nghe Lời của Ngài, mà biết nhận ra Chúa, tin vào Chúa, nhờ đó được Chúa dẫn dắt đi vào Nước Trời.
Chúa Giêsu là Thiên Chúa yêu thương. Ngài sống gần gũi, thân thiện, cảm thông và chia sẻ thân phận của con người. Nhưng chính sự thân thiện của Ngài đã bị nhiều người chối từ, bỏ rơi, xua đuổi. Ngay cả những người đồng hương cũng từ chối không tin Chúa, không đón nhận Ngài.
“Họ vấp phạm đến Ngài”. Thiên Chúa bị từ chối. Thiên Chúa bị loại trừ ngay trong lòng thế giới, và ngay trong tâm hồn của con người.
Chỉ vì thái độ cứng lòng tin của những người đồng hương mà Chúa Giêsu không làm nhiều phép lạ ở quê nhà. Cũng vậy, khi chúng ta tham dự thánh lễ mà chúng thiếu lòng tin, không chú tâm lắng nghe lời Chúa, không có tinh thần thiết tha và trông cậy thì làm sao Chúa có thể ban cho chúng ta những ơn lành cần thiết.
Giáo hội, hiện thân của Chúa ở trần gian cũng phải chịu số phận như Chúa. Giáo hội đã nỗ lực rất nhiều với công tác truyền giáo để trở thành dấu của tình thương Thiên Chúa cho nhiều người. Thế nhưng thực tế cho thấy ở những nơi được xem là xứ đạo “gốc”, hạt giống Tin Mừng lại thiếu điều kiện để nảy mầm và đơm bông kết trái.
Và rồi ta hãy hình dung việc Chúa về Nazareth giảng dạy cũng giống như việc chúng ta đi lễ hàng ngày hay hàng tuần. Khi đi dự lễ chúng ta có thái độ nào? Có giống như những người đồng hương Chúa không? Không ít người xem thánh lễ là nhàm chán vì quá quen thuộc ngày nào cũng đi, nghi thức thì cũng vậy, cha sở thì có mấy điều mà cứ nói hoài không có gì mới và họ đã xa dần đức tin.
Là môn đệ của Chúa, chúng ta cũng không thể tránh khỏi những phản ứng tiêu cực của người đời, sẽ gặp thất bại, bị bách hại, bắt bớ... Óc địa phương, óc kỳ thị, dửng dưng ích kỷ đã ăn sâu vào tâm thức khiến chúng ta không bỏ được những thói xấu ấy.
Hơn thế nữa, nhìn xã hội hôm nay, người ta chuộng “hàng ngoại”, chạy theo những gì là “đẳng cấp”, “kỹ thuật số” làm sao để được hưởng thụ vật chất cho thật nhiều mà quên rằng giá trị đích thực của cuộc sống là tin vào Thiên Chúa. Người ta dễ dàng chạy theo những phong trào, những lối sống “không ngày mai” mà quên rằng nơi Chúa Giêsu mới đem lại niềm hạnh phúc đích thực.
Hãy nhớ rằng khi tham dự thánh lễ là chúng ta tụ họp lại để thờ phượng và lắng nghe lời Chúa. Vì vậy hãy tham dự với tinh thần khao khát và yêu mến, có như thế Thiên Chúa mới đến được với chúng ta và ban cho chúng ta nhiều ơn lành cần thiết.
Với tin mừng hôm nay mỗi người chúng ta hãy xét lại xem: từ trước tới nay chúng ta tham dự thánh lễ với tinh thần nào? Có tham dự thánh lễ với sự chủ động, tìm kiếm Chúa hay không? hay chỉ tham dự vì luật buộc với những hình thức bên ngoài?
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhận xét
Đăng nhận xét