LOAN TRUYỀN TÌNH THƯƠNG


Loan truyền tình thương của Chúa

Thứ Hai tuần 4 mùa Thường Niên
Lời Chúa: 
 Mc 5,1-20
1 Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ sang bờ biển bên kia, đến địa hạt Giêrasa. 2 Chúa Giêsu vừa ở thuyền lên, thì một người bị quỷ ô uế ám từ các mồ mả ra gặp Người. 3 Người đó vẫn ở trong các mồ mả mà không ai có thể trói nổi, dù dùng cả đến dây xích, 4 vì nhiều lần người ta đã trói anh ta, gông cùm xiềng xích lại, nhưng anh ta đã bẻ gãy xiềng xích, phá gông cùm, và không ai có thể trị nổi anh ta. 5 Suốt ngày đêm anh ta ở trong mồ mả và trong núi, kêu la và lấy đá rạch mình mẩy. 6 Thấy Chúa Giêsu ở đàng xa, anh ta chạy đến sụp lạy Người 7 và kêu lớn tiếng rằng: "Hỡi ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối Cao, ông với tôi có liên hệ gì đâu? Vì danh Thiên Chúa, tôi van ông, xin chớ hành hạ tôi". 8 Nhưng Chúa Giêsu bảo nó rằng: "Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này". 9 Và Người hỏi nó: "Tên ngươi là gì?" Nó thưa: "Tên tôi là cơ binh, vì chúng tôi đông lắm". 10 Và nó nài xin Người đừng trục xuất nó ra khỏi miền ấy. 11 Gần đó, có một đàn heo đông đảo đang ăn trên núi, 12 những thần ô uế liền xin Chúa Giêsu rằng: "Hãy cho chúng tôi đến nhập vào đàn heo". 13 Và Chúa Giêsu liền cho phép. Các thần ô uế liền xuất ra và nhập vào đàn heo, rồi cả đàn chừng hai ngàn con lao mình xuống biển và chết đuối. 14 Những kẻ chăn heo chạy trốn và loan tin đó trong thành phố và các trại. Người ta liền đến xem việc gì vừa xảy ra. 15 Họ tới bên Chúa Giêsu, nhìn thấy kẻ trước kia bị quỷ ám ngồi đó, mặc quần áo và trí khôn tỉnh táo, và họ kinh hoảng. 16 Những người đã được chứng kiến thuật lại cho họ nghe mọi sự đã xảy ra như thế nào đối với người bị quỷ ám và đàn heo. 17 Họ liền xin Chúa Giêsu rời khỏi ranh giới họ. 18 Khi Người xuống thuyền, kẻ trước kia bị quỷ ám xin theo Người. 19 Nhưng người không cho mà rằng: "Con hãy về nhà với thân quyến, và loan truyền cho họ biết những gì Thiên Chúa đã làm cho con và đã thương con". 20 Người đó liền đi và bắt đầu tuyên xưng trong miền thập tỉnh, tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm cho anh ta, và mọi người đều thán phục.
Câu chuyện Chúa Giê-su đuổi ma quỷ vào đàn heo nằm trong Mc 5,1-20. Tuy nhiên để hiểu trọn ý nghĩ của phép lạ này, chúng ta phải đọc cả 5 câu trước đó:  Mc 4,35-40. Đoạn này bắt đầu như sau: “Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Chúng ta sang bờ bên kia đi!”. “Bờ bên kia” chính là Ghê-ra-sa, vùng đất của dân ngoại. Sau khi rao giảng Tin Mừng và làm các phép lạ tại Ít-ra-en (cụ thể là là vùng đất Ga-li-lê), Chúa Giê-su thực hiện cuộc hành trình này hướng về dân ngoại. Vậy, đối với Mác-cô, đây là một khúc ngoặt trong cuộc đời truyền giáo của Chúa. Trước khi tìm hiểu các chi tiết, chúng ta cũng cần lưu ý: Mác-cô không những kể chuyện một cách sống động, mà còn có cái tài gợi lên chiều kích biểu tượng của các sự kiện. Nếu không chú ý tới chiều kích này, chúng ta còn đứng trên bề mặt của câu chuyện, mà chưa đi vào ý nghĩa thâm sâu của bản văn.
Cuộc ra đi của Chúa Giê-su và các môn đệ xảy ra trong hoàn cảnh thật khó khăn. Trời đã về chiều: bóng tối tiêu biểu cho một thế giới thù nghịch! Rồi “một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước” (Mc 4,37). Sóng, gió và biển ở đây biểu trưng cho các mãnh lực của  Sự Dữ. Các chi tiết ấy cho thấy ma quỷ và các mãnh lực của âm phủ đã muốn ngăn cản cuộc hành trình của Chúa Giê-su khi Người muốn đến với dân ngoại.
Trong lúc ấy Chúa Giê-su nằm ngủ! Đức Giê-su nằm ngủ bình an giữa một cảnh hỗn loạn và náo động, thật là đầy ý nghĩa! Trong Kinh Thánh giấc ngủ thường là biểu tượng của sự chết. Ở đây Mác-cô gợi ý trước công trình cứu chuộc của Đức Giê-su qua cuộc Khổ nạn của Người: Người  nằm ngủ trong cõi chết giữa cảnh ồn ào náo nhiệt của các đối thủ. Chúng ta hiểu được sự thất kinh của các môn đệ ở đây, cũng như dưới chân thập giá.
Tiếp theo giấc ngủ, Đức Giê-su “chỗi dậy”: Người “sống lại” và biểu lộ cuộc chiến thắng của Người trên Sự Dữ và sự Chết. Người “ngăm đe gió và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi”. Tại Ca-phác-na-um, khi chữa lành một người bị quỷ ám Chúa Giê-su cũng “quát mắng” tên quỷ, rồi cũng ra một mệnh lệnh như vậy: “Câm đi!” (Mc 1,25). Chúa Giê-su đối xử với sóng gió như đối với ma quỷ! Trong cả hai trường hợp thần ô uế và gió đều tuân lệnh. Phản ứng của những người chứng kiến đều như nhau: trong trường hợp Chúa đuổi tên quỷ “mọi người đều kinh ngạc” (Mc 1,27); còn ở đây, khi thấy sóng gió yên tĩnh thì “các tông đồ hoảng sợ” (Mc 4,41). Trong Kinh Thánh chỉ có Thiên Chúa mới có quyền “ngăm đe” biển cả (Tv 106, 9). Các tông đồ ý thức họ đang đứng bên cạnh một nhân vật phi thường!
Sau cuộc hành trình trong cơn bão tố trên biển cả, Đức Giê-su đặt chân lên đất Ghê-ra-sa. Người đầu tiên ra gặp Người là một kẻ bị quỷ ám. Mác-cô muốn cho chúng ta thấy ngay cuộc trực diện giữa Đức Giê-su và thế giới ngoại giáo, một thế giới mà đại diện là kẻ bị quỷ ám này.Anh này sống giữa những mồ mả (tiêu biểu cho sự chết) và không ai có thể khống chế anh ta được. Giữa cảnh hoang vắng anh ta đi lang thang, kêu la tru tréo và cứ tìm cách tự đánh đập (Mc 4,3-5). Bị bắt buộc phải khai tên mình ra, thần ô uế nói: “Tên tôi là đạo binh, vì chúng tôi đông lắm!” (Mc 5,9).
Đạo binh ma quỷ này xin được nhập vào bầy heo bên cạnh đó. Đức Giê-su cho phép. Chúng liền xuất khỏi người kia, rồi nhập vào bầy heo, rồi cả bầy từ trên sườn núi lao mình xuống biển. Chúa Giê-su đã bắt chúng trở về âm phủ, nơi cư nghụ thường xuyên của chúng, để chúng khỏi làm hại dân thành Ghê-ra-sa.
Mác-cô nói là có chừng 2000 con. Đối với người Do-thái, heo là con vật ô uế. Con số 2000 là do Mác-cô thêm vào, để lượng định con số của "đạo binh" quỷ dữ này. Có lẽ Mác-cô đã phóng đại con số, để làm nổi bật cuộc chiến thắng vẻ vang của Đức Giê-su. Đối với Mác-cô đây là một đạo binh quân khủng bố hiện diện nơi một người, nhưng đang đe dọa cả dân thành Ghê-ra-sa. Như vậy khi xua đuổi 2000 tên quỷ ô uế này, Chúa Giê-su không chỉ nhắm cứu mạng một người, mà cả dân làng... Qua phép lạ này Chúa Giê-su biểu lộ quyền năng của Người trên Sự Dữ, và Sự Chết...
Để cứu một sinh linh, và nhất là ở đây Chúa nhắm đến cả một làng với vài ngàn người dân, thì 2000 con heo đáng giá là gì để chúng ta tiếc nuối?
Noberto Nguyễn Văn Khanh



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thứ Năm tuần 2 mùa vọng –Mt 11, 11-15 Bài chia sẻ của Cha Phó Đaminh

Thứ Năm tuần 22 Thường niên năm II (Lc 5,1-11) TGM Giuse Nguyễn Năng Ngày 05/09/2024

Chúa nhật Chúa Ba Ngôi năm B - Thiên Chúa là tình yêu (Mt 28,16-20) TGM Giuse Nguyễn Năng Ngày 26/05/2024